Chương 3. Thôn Kim Lạc
- Hoàng, cháu xem này, bà vừa đào được mấy củ khoai, để bà nướng lên cho cháu ăn đổi vị.
Trước gian nhà gỗ ọp ẹp, cũ kĩ, một bà lão tóc hoa râm xách theo chiếc làn bằng nứa, vui vẻ chạy tới. Bà mặc trên người bộ bà ba nâu sờn vải, đôi chỗ có vết vá, không biết đã gìn giữ bao lâu. Bà đi chân trần, điệu bộ hớn hở vào trong nhà. Bà với tay vào làn, lấy ra mấy củ khoai còn dính đầy bùn đất trong giỏ khoe trước mặt anh, hào hứng nói.
Bách Hoàng trông thấy lớp vỏ đen xù xì, tâm trạng tụt dốc không phanh. Anh không quá thích khoai lang, mấy lần khó xử khi ăn khoai cộng thêm cảm giác khó tiêu, đầy bụng khiến anh vô thức muốn tránh xa nó. Đành rằng miệng lưỡi anh mấy nay đã nhạt toẹt do món cháo gạo lứt đơn điệu đem lại, vị ngọt của khoai lang vẫn chẳng tài nào hấp dẫn nổi anh.
Chỉ có thể nói điều kiện sống thời xưa quá nghèo nàn, người nông dân muốn đủ no đủ mặc đã khó rồi, huống chi là ăn ngon mặc đẹp. Giàu sang thì dễ, lam lũ không ai muốn, Bách Hoàng nhớ thương không nguôi cuộc sống tiện nghi trước kia, từ bàn tiệc mĩ vị, phương tiện giải trí cho đến máy móc, thiết bị hiện đại…
Tiếc rằng điều đó bây giờ thật xa vời!
- Không cần đâu, bà giữ lấy mà ăn đi.
Bách Hoàng cố gắng duy trì thái độ điềm nhiên trả lời, tránh bộc lộ sự ghét bỏ ra mặt. Nề nếp sinh hoạt mấy chục năm rèn đúc nên một con người tinh tế, thâm sâu khó dò. Càng va chạm nhiều, bộ mặt thật của anh càng phủ thêm một tầng sương trắng, rất hiếm người đọc vị nổi anh.
- Đừng khách sáo, nhiêu đây đủ cho bà cháu ta ăn vài bữa, cháu cứ nằm đó chờ, bà quay lại ngay.
Bà lão bật cười đáp, đôi mắt ánh lên vẻ hiền từ. Sống chung ngần ấy năm, bà theo quán tính nghĩ rằng Bách Hoàng đang muốn nhường miếng ăn cho mình nên cũng không để trong lòng lời nói của anh. Trước khi anh kịp thốt thêm gì, bà đã nhanh chân rời đi, chỉ để lại một bóng lưng cứng cỏi, nhuộm đầy gió sương.
Thịnh tình của bà không khỏi khiến anh cảm thấy bất đắc dĩ. Đối với người phụ nữ tốt bụng ấy, anh chưa biết nên đối xử ra sao. Trải qua ba ngày dưỡng thương, Bách Hoàng sơ bộ biết được bà lão chăm sóc mình thường được dân làng gọi là bà Hoa, người duy nhất yêu thương, chăm sóc nguyên chủ từ thuở ấu thơ, mới lọt lòng.
Tuy họ không cùng chung dòng máu, tấm lòng của bà dành cho đứa trẻ này khó mà ngó lơ như đám thân thích không biết ở phương trời nào. Anh có thể giả vờ không quen biết dân làng hay bất kỳ ai, nhưng riêng bà Hoa, anh cần cho bà một đáp án nghiêm túc.
Ngoài bà ấy, còn có một người anh phải dè chừng. Thông qua nhiều lần thăm dò, anh đã xác định rằng nơi mình đang sống là thôn Kim Lạc, một vùng quê khá hẻo lánh, cách xa kinh thành Lạc Quốc. Người có quyền lực nhất vùng này là Lý trưởng, chức quan đứng đầu làng xã hồi xưa, cũng chính là kẻ liên quan nhiều nhất đến anh.
Nguyên chủ vốn là trẻ mồ côi, ba mẹ đã mất khi cố đưa cậu đến vùng thôn quê này. Theo lời kể của bà Hoa, bà mẹ cậu không phải người đơn giản, từ trang phục có thể thấy họ mang dòng dõi trâm anh thế phiệt, gia tộc quyền quý. Ban đầu, bà Hoa mới là người được giao trọng trách nuôi nấng cậu nhưng nửa đường Lý trưởng chen ngang, dựa hơi quan lớn bắt bà nhượng bộ.
Cái người tham lam ấy chẳng tốt lành cho cam. Mồ mả ba mẹ cậu chưa yên bề được bao lâu, lão Lý trưởng đã bắt đầu rục rịch giở trò. Chẳng những nuốt trọn toàn bộ số tiền ủy thác của ba mẹ cậu, ông ta còn tống khứ cậu ra khỏi nhà, ép dọn đến chỗ ở mục nát hiện tại. Bà Hoa giận lắm mà chẳng dám làm gì, đành dồn hết tình thương cho cậu, quan tâm săn sóc như con cháu trong gia đình.
Chuyện xưa không dừng tại đó, bởi tính cách lầm lì, tăm tối, đứa trẻ đáng thương này thường xuyên bị lũ nhóc trong thôn bắt nạt. Mấy lần cậu cầu cứu Lý trưởng, xin lão giúp đỡ, rốt cuộc chỉ đổi lại cái ngoảnh mặt làm ngơ. Bọn lưu manh càng được dịp đắc thế, hung hăng bắt nạt cậu không biết dè chừng là gì.
Chục năm sau, thiếu niên năm nào lớn lên từ trận đòn roi, đánh đập, nay đã tròn mười lăm tuổi, được Lý trưởng ghét bỏ ra mặt dắt đi theo đến trấn trên tham gia lễ thức tỉnh. Mọi chuyện sẽ chẳng đến nổi nào nếu thân phận kim bài sư của cậu không bị “đắp chiếu”. Khoảnh khắc mấy vị Tư thần lang, kim bài sư chủ trì buổi lễ, nhìn thấy kĩ năng trên tấm thẻ bài rồi dè bỉu, chê bai đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cậu.
Vốn đỏ mắt ghen tị trước sự may mắn ngút trời của cậu, những đứa trẻ cùng xóm liền cảm thấy hả hê, vui sướng khi trông thấy tình cảnh này. Bao năm chìm đắm trong nỗi bất hạnh tột cùng, ý chí sống còn của nguyên chủ đã sớm bị mài mòn không sai biệt lắm. Khoảnh khắc cuộc sống quay trở về quỹ đạo ban đầu, cậu nhắm mắt xuôi tay, triệt để thoát khỏi kiếp sống đọa đày, buông tha cho tất cả. Nhờ thế, linh hồn của Bách Hoàng mới thuận lợi nhập vào trong thể xác đã vô chủ.
Tất nhiên anh không cho rằng linh hồn cậu đã biến mất. Dường như người dân của thế giới này sở hữu năng lực nào đó khiến cho ý thức ngủ say trong cơ thể. Nói một cách khác, cơ thể này đang một xác hai hồn. Chỉ cần cậu không muốn tỉnh dậy, anh vẫn phải thay cậu tiếp quản cuộc sống ở đây.
Có khả năng, một khi ý thức của cậu thức giấc, anh có thể trở về thế giới vốn có của mình. Nhưng xem chừng điều này không dễ dàng gì. Nguyên chủ bị tổn thương quá sâu sắc, cậu sẽ cần thời gian rất dài để nguôi ngoai hoặc một cách nào khác để xoa dịu. Nó rất khó để giải quyết ngay bây giờ, anh buộc phải từ từ và kiên nhẫn.
***
- Cháo đây, cháo tới rồi đây.
Áng chừng nửa tiếng sau, bà Hoa cuối cùng cũng trở lại. Bà xách theo một nồi cháo vàng nhạt, dậy thơm mùi khoai lang. Bà chậm rãi múc cho anh một chén cháo nhỏ, tiếc nuối kể rằng dọc đường về bà gặp thầy lang, ông ta không cho bà nướng khoai vì đồ nướng không tốt cho những người đang bị thương như anh, thành ra bà đành bất đắc dĩ nấu cháo, xem như ăn cho đỡ thèm.
Bách Hoàng vừa nghe bà kể chuyện, vừa cẩn thận nuốt một ngụm cháo vào trong miệng. Sắc mặt anh nhạt nhẽo, không vui không buồn, chỉ thấy tốc độ nhai nuốt nhanh hơn không ít, cốt để ăn cho xong. Món cháo dân dã này tất nhiên khó lòng thỏa mãn con người kén chọn như anh. Vừa thiếu gia vị, sắc hương không tròn đầy, xét trên phương diện nào đều không đạt nổi điểm trung bình.
Lãnh đạm uống hết cháo, Bách Hoàng trò chuyện thêm một lúc rồi kiếm cớ tiễn bà Hoa đi. Sau khi chắc mẫm bà ấy đã khuất khỏi tầm mắt, Bách Hoàng cố gắng nhịn đau xuống giường. Mặc dù thuốc thang nơi đây rất thần kỳ, vết bầm trên người anh đã mờ đi trông thấy, nhưng muốn khỏi hẳn thì không nhanh thế được.
Anh bước từng bước chậm rãi vào buồng trong, thay bộ quần áo mới. Vừa buộc dây áo, anh vừa nhăn mày không hài lòng. Điều kiện vật chất của nguyên chủ quá nghèo nàn, y phục chẳng những nhàu nát mà chất vải còn tệ hại, màu sắc tối tăm.
Kiếp sống này không nên tiếp diễn nữa!
Bách Hoàng vốn là người chú trọng chất lượng cuộc sống, anh không muốn bạc đãi chính mình như vậy. Anh không nhịn được nghĩ đến mớ vàng bạc chất chồng trong nhà Lý trưởng. Có lẽ anh cần đẩy nhanh kế hoạch hơn.
Đích đến đầu tiên Bách Hoàng chính là thư viện. Khoảng hơn một năm trước, phía triều đình xây dựng cho thôn một phòng sách nhỏ, nhằm phổ cập kiến thức và truyền bá tư tưởng. Đây quả là quyết đoán vượt thời đại, nếu vận dụng đủ khéo, hiệu quả mang lại khó mà tưởng tượng nổi.
Anh vừa đi vừa nghĩ ngợi, rất nhanh đã tới ao sen. Thư viện nằm ở cuối thôn, phía bên kia bờ ao, thường ngày không mấy ai tới đó. Dù sao chiến dịch xóa mù chữ thời phong kiến không thể nào bì được thời hiện đại, số người biết chữ trong thôn này chắc chả được mấy chục.
- Ồ Hoàng, mày đi đâu đấy?
- Đại ca, anh xem nó lớn gan ghê chưa. Mấy hôm trước vừa bị chúng ta đánh bầm dập, hôm nay lại dám mò tới.
Thật là oan gia ngỏ hẹp. Bách Hoàng vừa bước tới con đường mòn dọc bờ ao đã đụng độ đám lưu manh trong làng. Chắc hẳn chúng từ thư viện trở về, anh nghe bà Hoa kể rằng ba mẹ chúng rất sĩ diện và học đua đòi, không cam chịu con em yếu kém hơn người khác. Anh đứng lặng nhìn một tốp sáu, bảy người đối diện mình, trong lòng cười thầm.
Ở cái thời khuyết thiếu phương tiện giải trí, mới vài ngày mà anh đã cảm thấy tay chân ngứa ngáy và buồn chán lắm rồi. Đúng lúc đám người chuyên bắt nạt nguyên chủ tự động dẫn xác tới gặp, anh không khách khí bỏ lỡ cơ hội trời ban này.
Để xem ai mới là bao cát của ai!