Kệ sách
Tiếng Việt
Chương
Cài đặt

Chương 2: Cánh Diều Bay Lên Từ Bãi Đất Trống

Cứ mỗi chiều đến, sau khi làm các công việc xong xuôi, chị Vân và tôi tắm gội rồi leo lên gác. Một ngày mệt lả người, được đặt lưng xuống giường thật là thích.

Lúc trước, tôi khái niệm hạnh phúc chỉ xuất hiện trong mối tương quan giữa nam và nữ, còn nữa là trong một gia đình ấm êm, thuận hòa thì sẽ có hạnh phúc.

Thế nhưng giờ đây, hạnh phúc đối với tôi chính là giây phút chuyển giao giữa ngày và đêm mà người ta gọi là hoàng hôn ấy. Vì lúc này, tôi có thể tạm gác lại tất cả để nghỉ ngơi cùng mơ mộng.

Nằm được mấy phút, tôi bật dậy, tiến ra ngoài ban công. Chị Vân vẫn ở bên trong, cắm cúi may lại chiếc áo khoác bị bung chỉ. Trong cảm nhận của tôi, chị Vân là người khá đơn giản, suy nghĩ của chị luôn luôn đơn giản.

Gia đình tôi có tổng cộng sáu chị em và chị Vân là chị cả. Chị có nụ cười tỏa nắng cả khúc sông nhưng đôi mắt lại cực kỳ buồn, cứ u uẩn, ươn ướt. Tôi nghe người ta nói, những người có đôi mắt đó sẽ rất khổ vì tình.

Chị Vân cũng giống như tôi, học xong lớp chín thì nghỉ và vào Sài Gòn phụ cậu mợ bán buôn. Chị đi suốt mấy năm liền, chỉ khi mẹ tôi sắp sinh bé út mới nói với cậu cho chị về. Tới khi bé út tròn một tuổi, cậu mợ gọi điện xin mẹ để chị trở vào phụ giúp vì người thân dẫu sao vẫn tin tưởng hơn là mướn người ngoài. Thế là, chị tiếp tục rời nhà mà đi. Qua hết mấy năm, tôi lại nối gót chị.

Nghỉ học ở cái độ tuổi lưng chừng này thì còn có thể làm gì khác ngoài phụ việc cho bà con. Còn nữa là mẹ nghe lời cậu, rằng để chúng tôi ra môi trường chợ, tiếp xúc này nọ cho dạn dĩ và lanh lẹ lên, rồi mai này lớn còn xin vào công ty, xí nghiệp làm vì mọi người đều nói chị em tôi khù khờ quá.

Vào Sài Gòn, cậu mợ lo ăn uống, tiền công thì trả mỗi đứa một triệu một năm nhưng nói để gom lại rồi khi nào có dịp sẽ đưa cho mẹ tôi. Cậu nói chúng tôi ăn ở trong nhà nên chẳng cần xài tiền. Chỉ khi nào cần mua đồ cá nhân hàng tháng, tôi và chị Vân mới mở miệng xin mợ.

Bản thân tôi nghĩ rằng mình không học nữa thì phải đi kiếm tiền thôi, chẳng lẽ quanh quẩn ở nhà cho mẹ nuôi cơm để đợi lớn đủ tuổi lao động. Gia đình tôi không có rẫy, ba chạy xe ôm ngày được ngày mất, mẹ bán tạp hóa nhỏ lẻ và nấu rượu, nuôi vài con heo. Chị Vui cơ thể ốm yếu nên ở nhà làm cùng mẹ, chị cũng học hết lớp chín, đáng lý ra chị trên tôi hai lớp nhưng vì bệnh quá, tụt lại hai năm rồi học cùng nhau và nghỉ cùng lúc.

Phía dưới nhà vọng lên tiếng cười nói rôm rả, tiếng xì xào bàn tán, còn có cả tiếng nhai lách chách. Đó là bà con bên phía mợ tôi, bao gồm các chị và cháu của mợ. Từ ngày mợ sinh em bé, họ thường xuyên lui tới sau bữa trưa, tụ tập nói chuyện, đánh bài tứ sắc, xong kêu hủ tiếu, hột vịt lộn vào ăn rồi đến xẩm tối mới tản ra.

Hai chị em tôi chẳng bao giờ ngồi vào ăn chung với họ, cho dẫu có được mời. Đi bán về, chúng tôi tranh thủ nấu cơm, ăn vội rồi nhặt rau, nhặt hành, bào củ cải, ướp thịt, lót lá chuối vào bánh tráng mỏng cho mềm, ngâm đậu xanh… tắm gội, giặt giũ và dọn dẹp xong xuôi thì leo thẳng lên gác.

Tôi ngại nghe những gì họ nói, ngại tiếp xúc với những cô cháu gái xinh đẹp, học giỏi và sành điệu. Ánh mắt họ nhìn tôi và chị Vân dường như chỉ có một nửa, kiểu như không cùng đẳng cấp. Mọi người đều khoe với nhau thành tích học tập của con cái mình cùng những dự tính trong tương lai vô cùng sáng lạn.

Nếu như học vấn quyết định nên giá trị con người thì tôi đành chấp nhận mà thôi. Tôi và các chị còn có lựa chọn nào khác ngoài cách nói với mẹ rằng mình làm biếng học, muốn được nghỉ vì chẳng thể nào tiếp thu nổi bài vở.

Cái cảm giác bị thầy cô bảo đứng lên và trả lời xem bao giờ thì đóng tiền học khiến tôi ám ảnh suốt chín năm liền. Ban đầu, còn có các bạn khác cùng đứng với mình, rồi sau đó ít dần, cuối cùng chỉ còn mỗi mình tôi đưa mặt dày ra.

Nhà đông con, tiền bạc kiếm quá khó khăn, cái quán nhỏ xiêu vẹo cùng mấy con heo còi cọt của mẹ và những cuốc xe thồ của ba chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Mẹ tôi lại thường xuyên bị bệnh nhưng phải cố uống thuốc giảm đau để gồng mình làm việc. Điều này, tôi biết từ khi còn nhỏ, chỉ là cố lơ đi để gắng học xong cấp hai vì dẫu sao cầm được tấm bằng ấy cũng dễ xin việc hơn.

Đôi lúc nhìn những cô gái trạc tuổi, khoác lên tà áo dài trắng thướt tha, đạp xe dọc những con đường mà tôi ao ước và chạnh lòng biết mấy. Chiếc áo tinh khôi của nữ sinh đó mãi mãi chẳng bao giờ vương trên người tôi được, có chăng chỉ là trong tưởng tượng và cả trong cơn mơ.

- Nhớ nhà hả Vy?

Tiếng chị Vân vang lên sau lưng làm tôi giật mình ngoảnh lại. Chị Vân bước đến bên cạnh rồi tựa vào lan can, đôi mắt thoảng buồn nhìn ra bãi đất trống phía xa, nơi có những cánh diều no gió bay cao trên nền trời nhuốm đỏ ráng chiều.

- Vân cũng nhớ mà, nói gì em. Từ ngày bé út được một tuổi, Vân đi lại rồi vẫn chưa về nhà lần nào. – Tôi cúi đầu đáp.

- Ừ. Đường sá xa xôi, về mấy ngày vào lại thì tốn tiền xe, mà về lâu thì sao được, ai phụ cậu mợ?

Tôi quay sang nhìn chị mấy giây rồi tiếp tục ngắm những cánh diều. Không biết bao nhiêu lần, tôi có cảm giác nếu mình chạy lại bãi đất trống ấy rồi đi thêm một đoạn đường nữa thì sẽ thấy được ngôi nhà của gia đình. Chỗ đó giống hệt cái sân banh gần nhà tôi, nơi chiều chiều bọn trẻ vẫn mang banh đến đá và mang diều tới thả.

- Sắp tết rồi Vân ha. – Tôi bất giác lên tiếng.

- Còn đúng một trăm ngày nữa. Thôi, họ về rồi, chị đi nấu nước mắm đây. Coi lát xuống ăn cơm xong ngủ sớm, không lại dậy trễ như sáng nay.

Tôi mỉm cười, gật đầu. Số là sáng nay khi đồng hồ báo thức, tôi đã dậy và tắt đi, định bụng nằm nướng thêm mấy giây nhưng rồi ngủ quên tuốt luốt nên mới thành ra nông nỗi.

Nhìn theo dáng chị khuất lần theo những bậc thang, sống mũi tôi bỗng nhiên cay xè. Tôi biết chị đếm vậy thôi chứ bản thân chị rõ nhất, tết đến là khoảng thời gian buôn may bán đắt, dễ đâu mà được về thăm nhà.

Ăn cơm tối xong, cậu bảo tôi và chị lên xe rồi chở đến thẳng cửa hàng bán giày dép để mua dép mới cho tôi vì hôm nay, trong lúc chạy đi lấy thêm bún tươi, tôi đã bị trượt chân và đứt dép. Đó là đôi dép quai hậu mà tôi vẫn thường mang đi học suốt năm lớp chín, mỗi khi nó há mõm ra, mẹ lấy keo dán lại để tôi đi tiếp nhưng giờ thì nó đã hết hạn sử dụng thật rồi, tôi đành tiễn nó vào bao rác thôi.

Không gian trong cửa hàng ngập tràn ánh điện. Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào nơi như thế này. Mọi khi chỉ ngồi trên xe, rồi nhìn phớt qua và mơ ước. Tôi với chị Vân sáng mắt ngắm những đôi giày và dép đủ màu, đủ kiểu được trưng bày trong tủ kính. Chưa được một phút thì cậu bảo chúng tôi đi sang phía cậu, nơi xếp những đôi dép mang thương hiệu Bitis.

- Đi dép Bitis này bền nè. Thử vừa không để mua nhanh còn về. - Cậu đưa cho tôi một đôi dép xẹp hai quai, lên tiếng hối.

Tôi đón lấy đôi dép từ cậu, cúi xuống, xỏ vào trong chân. Thấy vừa như in, cậu gật gù hỏi giá. Sau khi bớt tới bớt lui được vài ngàn đồng, cậu móc tiền ra trả rồi chở chúng tôi về.

Đường phố Sài Gòn về đêm mới lộng lẫy làm sao, tôi mơ màng ngắm nhìn các quán xá và nhà hàng sang trọng dọc hai bên đường. Những con người ăn mặc rất hợp thời, hợp mốt, xinh đẹp và sạch sẽ liên tục đi ra đi vào. Nỗi ước ao được một lần xúng xính mặc chiếc váy kia lên người, được đi trên đôi giày cao gót, được bước chân vào cánh cổng ngập ánh đèn kia và thưởng thức các món ăn để biết cái cảm giác “ăn nhà hàng” là thế nào cứ cháy bỏng trong tôi.

Về đến nhà, tôi và chị Vân ghé sang phòng mợ, ghẹo em bé một tý rồi leo lên gác. Chị Vân với tay lấy chiếc đồng hồ báo thức trên nóc tủ sắt đựng quần áo, chỉnh hẹn giờ. Xong, chị quay sang nhìn tôi, mỉm cười dặn dò.

- Ngày mai nghe chuông là dậy luôn nha, đừng nằm ráng nữa.

- Tại hồi đêm mấy ông nhà kế bên nhậu, nói chuyện ồn quá nên mình ngủ khuya đâm ra mới dậy trễ mà. – Tôi trề môi, viện lý do.

- Chị tắt điện nha, còn làm gì nữa không?

- Chị tắt đi, giờ ngủ thôi chứ làm gì nữa đâu.

Tôi đẩy cái bịch xốp đựng đôi dép mới vào gầm giường và nằm xuống. Dẫu biết ngày mai phải mang nó ra đất nhưng tôi muốn để nó sạch được lúc nào thì hay lúc đó nên xách lên đây luôn.

Trời chuyển dần về khuya, quay sang bên cạnh, thấy chị Vân đã ngủ say. Nghe tiếng thở đều đều, khẽ khẽ của chị mà tôi cứ ngỡ như tiếng thở dài mệt nhoài của bóng đêm. Từ bao giờ mà tôi bỗng sợ bình minh đến vậy. Những khi giật mình tỉnh giấc, cứ phập phồng lo trời sắp sáng. Tôi sợ ra chợ, sợ những lúc khách đông, vì khi đó, cậu sẽ quáng quàng lên và mắng lung tung.

Mà cậu càng la thì chúng tôi càng rối, tay chân loạn xạ, đánh đổ cái này, làm rớt cái kia, và rồi cậu sẽ càng hét lớn hơn nữa. Cho dù khi xong buổi chợ, cậu lại cười hề hề đếm tiền và nói chuyện ân cần với chúng tôi nhưng bấy nhiêu đó vẫn chẳng thể khiến tôi xoa dịu tổn thương trong mình.

Tôi càng sợ những khi chợ vắng, sợ bản thân đảo mấy vòng trong bãi đỗ xe mà chẳng có ai kêu bún. Buôn bán ế ẩm sẽ khiến cậu bực bội, tôi sợ nhìn sắc mặt tối như trời chuyển mưa ấy, cứ như tất cả những gì không suôn sẻ là do mình mà ra vậy. Khẽ nghiêng người, thò tay xuống gầm giường, tôi nhẹ nhàng kéo cái bịch xốp, lấy đôi dép ra, mân mê. Chiếc giày cao gót bằng thủy tinh sẽ đưa Lọ Lem đến bên hoàng tử, còn đôi dép xẹp lép này sẽ đưa tôi từ nhà ra chợ rồi từ chợ về nhà.

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.