Kệ sách
Tiếng Việt

Không Muốn Vuột Mất Em

19.0K · Đang ra
Biến Kỷ
40
Chương
5.0K
Lượt đọc
9.0
Đánh giá

Giới thiệu

Thể loại: Ngôn tình, thanh mai trúc mã, sủng, HE Cô và anh là thanh mai trúc mã, quen biết nhau từ khi cả hai chỉ mới là những đứa trẻ sơ sinh cho đến thời niên thiếu. Trong quá khứ tốt đẹp, Khả Viện như một đứa em gái nhỏ suốt ngày chỉ biết đeo theo Mạnh Tinh Vĩ, nghe anh kể chuyện lịch sử và thao thao bất tuyệt về các cổ vật. Mọi thứ dường như đều bình yên cho đến khi Tinh Vĩ phải lòng Đàm Sơ, người hầu của gia đình cô. Anh vì cô ấy mà bất chấp tất cả, từ bỏ gia đình, từ bỏ quyền thừa kế để đi du nước ngoài cùng Đàm Sơ. Kể từ khi ấy, Khả Viện và anh đã hoàn toàn trở nên xa cách, hai người cũng không còn gặp mặt nhau. Nhiều năm sau gặp lại, Mạnh Tinh Vi đã trở thành nghệ nhân phục chế văn vật có tiếng trong nước. Còn cô cũng vừa từ Hàn Quốc trở về sau khi theo đuổi công việc thiết kế đồ họa. Khả Viện bấy giờ mới nghe được câu chuyện anh và Đàm Sơ đã chấm dứt. Hai người lại một lần nữa gặp gỡ sau nhiều năm xa cách nhưng giữa cả hai đã không còn cảm giác thân thiết như trước kia. Cô cũng chẳng còn là một đứa trẻ suốt ngày bám theo lưng anh. Những hiểu lầm, tổn thương trong quá khứ dần dần được hé lộ. Định mệnh lại xoay tròn giữa hai người nhưng tình cảm quả thật là một thứ rất khó để nắm bắt. Liệu giữa Trương Khả Viện và Mạnh Tinh Vĩ có thể nảy nở một loại tình cảm mãnh liệt hơn không?

Tiểu thưThanh mai trúc mãThiếu giaNgôn tìnhLãng mạnTình bạnHEHào môn thế giaĐô thịNữ Cường

Chương 1: Hai thế giới

Trụ sở khổng lồ của công ty MYA nằm toạ lạc tại quận S, Hàn Quốc. MYA luôn được vinh danh là công ty giải trí hàng đầu đất nước xứ sở kim chi khi sở hữu khối lượng nghệ sĩ nổi tiếng và nhóm nhạc nhiều nhất. Trên một con đường sầm uất với giá trị đất đắt đỏ, trụ sở MYA là toà nhà cao nhất, uy nghi nhất chiếm một diện tích lớn của con đường.

Bên trong toà nhà hàng trăm nhân viên đang cật lực làm việc, đứng ở phía sau các nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc đưa tới cho các khản giả.

Ở một góc văn phòng đơn giản, sạch sẽ là nơi làm việc của một nữ nhân viên thiết kế đồ hoạ xinh đẹp. Trương Khả Viện chính là nhân viên nữ có nhan sắc nổi trội nhất nhì trong công ty này, mặc dù cô là người ngoại quốc.

Người con gái đang chăm chú dán mắt về phía màn hình vi tính để chỉnh sửa hình ảnh trên tấm áp phích cho sự kiện vinh danh nghệ sĩ huyền thoại sắp tới. Dù trên gương mặt cô đang đeo một cặp kính cận nhưng vẫn không thể nào che lấp được nét đẹp như trăng như hoa của Khả Viện.

Trên bàn làm việc ngoài trừ một chậu cây lưỡi hổ và tài liệu công việc thì bên cạnh máy tính của cô còn có trưng bày mấy bức tượng công chúa cổ tích nho nhỏ vô cùng đáng yêu.

Trương Khả Viện đang tập trung cao độ thì bỗng dưng có một bàn tay chộp lấy vai cô.

"Đi ăn trưa thôi người đẹp."

Cô giật mình quay đầu nhìn người phía sau. Bà chị đồng nghiệp trong phòng Marketing tên Lee Min Ji muốn nhắc nhở cô dừng tay đi ăn trưa.

"Chị và mọi người cứ xuống dưới trước đi. Em chỉ còn một chút nữa là xong cái này rồi."

Cô cười bảo.

Lee Min Ji ngay lập tức hắng giọng nhắc nhở.

"Ầy, em biết quy tắc của bọn chị rồi đó. Không cho phép những người tham công tiếc việc như em tồn tại."

Nghe thế, Trương Khả Viện chỉ có thể buồn cười nói.

"Em biết rồi, để em lưu cái này lại đã rồi đi với bọn chị."

"Ok, vậy bọn chị từ từ đi ra thang máy đợi trước. Em nhanh lên đó."

Lee Min Ji vỗ vai cô dặn dò.

Nói xong chị ta cùng với mấy người đồng nghiệp khác rủ rê nhau đi ra thang máy trước.

Trương Khả Viện vừa tắt phần mềm chỉnh sửa trên máy tính xong, tháo cặp kính cận xuống thì đột nhiên nghe thấy điện thoại mình rung lên tiếng thông báo tin nhắn của Facebook. Cô nhanh chóng cầm điện thoại lên đi ra thang máy.

Bên trong không gian thang máy đông đúc, cô mở Facebook lên kiểm tra tin nhắn của Hoàng Nhi.

"Nhị tiểu thư, có phải cậu sắp quên luôn mặt của tớ rồi không?"

"Tớ làm sao có thể quên người bạn thân nhất của cuộc đời mình được chứ?"

"Thân thiết gì đâu. Tớ với cậu cũng đã mấy năm rồi không gặp nhau."

Cô nàng giận dỗi nhắn tin.

"Sắp tới tớ sẽ xin nghỉ phép về thăm gia đình, thăm cậu được chưa?"

"Nếu cậu nhớ mua quà cho tớ thì tớ tạm thời cho qua."

"Vâng, bà cô của tôi ạ."

Nhắc đến mới nhớ, cũng đã hơn tám năm rồi Trương Khả Viện chưa trở về nước kể từ khi cô sang Hàn Quốc du học. Mấy hôm nay mẹ cô cũng liên tục gọi điện sang giục giã cô trở về nước.

Gia đình họ Trương chỉ có một đứa con trai và một đứa con gái. Trương Khả Viện còn là đứa con gái út bé bỏng trong nhà nên cha mẹ và anh trai đều rất yêu thương, cưng chiều cô.

Gia đình họ Trương danh giá quyền thế sở hữu cả một tập đoàn LEL kinh doanh đa quốc gia, nắm giữ 28% thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới ở trong nước. Trương phu nhân chỉ có một mong muốn là đứa con gái của mình về nước sinh sống và làm việc gần cha mẹ, giúp gia đình quản lý công việc tập đoàn. Bà không muốn con gái mình ở xa làm việc vất vả.

Về vấn đề này, Trương Khả Viện vẫn còn đang đắn đo cân nhắc. Cô cảm thấy môi trường hiện tại làm việc rất tốt nên không muốn bỏ dở giữa chừng.

***

Công việc bảo tồn di sản văn hóa là vấn đề luôn được chính phủ của tất cả các đất nước trên thế giới quan tâm. Phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với phát triển văn hoá và hội nhập quốc tế phải luôn đi đôi với bảo vệ di sản văn hoá. Ở đất nước Đại An cũng như thế, người dân luôn biết đến những di sản thiên nhiên cảnh đẹp hay những công trình kiến trúc nguy nga do cha ông xây dựng để lại và chúng ta luôn ra sức bảo tồn nó. Nhưng có một thứ di sản nho nhỏ mà mọi người đã quên mất quên rằng nó cũng cần được tu bổ và phục chế, đó là những tư liệu cổ.

Tư liệu cổ ở đây bao gồm những cuốn sách có thâm niên cả trăm năm, những sắc phong cổ của vua chúa ngày xưa hay những bức tranh mang đậm dấu ấn lịch sử, vân vân và vân vân.

Ở Đại An hiện nay vẫn chưa có một nơi nào dạy chính thống về lĩnh vực này. Cũng không có một người nào đủ trình độ để dạy về tu bổ và phục chế văn vật cổ. Cho dù nhu cầu về việc tu bổ hiện vật giấy là rất lớn nhưng người ta thường không biết tìm đến ai ở Đại An có thể thực hiện công việc này. Các tác phẩm tư liệu đều có giá trị rất cao nên họ, những người sở hữu văn vật rất cẩn thận dè dặt trong việc uỷ thác để tu bổ.

Tính đến thời điểm hiện tại, các bảo tàng ở Đại An là những đơn vị tu bổ phục chế duy nhất nhưng các nhân viên ở đó đều không được đào tạo bài bản mà chỉ tham gia những khoá học ngắn hạn ở bên Tây.

"Có thể cho chúng tôi biết tại sao anh lại chọn theo đuổi một lĩnh vực kén người như thế này không?"

"Câu trả lời không phải đã nằm trong câu hỏi của cô rồi sao? Vì không có ai làm nên tôi muốn được làm công việc này."

Trong một ngôi xưởng rộng 60 mét vuông, hai người phóng viên ngồi đối diện đặt câu hỏi với Mạnh Tinh Vĩ, chủ nhân của nơi gọi là Vãn Nguyệt Đường này. Hắn hiện nay chính là nghệ nhân phục chế tư liệu cổ duy nhất tại Đại An.

Hôm nay một tờ báo đã cử hai phóng viên Lưu Thanh Chi và Kim Đồ đến để tìm hiểu và viết bài về người nghệ nhân trẻ tuổi đặc biệt này.

Người đàn ông ngồi trước mặt bọn họ có vẻ ngoài cao lớn, từng đường nét trên gương mặt đều được khắc họa như tượng tạc. Bao quanh hắn là thứ khí chất ưu nhã mà lãnh đạm khiến người ta cảm thấy xa cách. Cặp kính cận trên mắt càng làm hắn tăng thêm vẻ tri thức.

"Cậu của tôi là giáo sư chuyên ngành lịch sử dân tộc. Ông ấy thường đi thăm những ngôi làng cổ khắp đất nước tìm hiểu về con người và lịch sử ở nơi đó. Khi ấy tôi thường đòi đi theo cậu đến những vùng đất xa xôi."

"Tôi nhớ khi mình đến một ngôi đình lâu đời, ở đó họ vẫn lưu giữ những tấm sắc phong thời xưa do vua ban cho. Tôi đã được cho xem và chụp hình lại tấm sắc phong cổ ấy nhưng không dám chạm vào vì nó đã rách nát và bị hư hại khá nhiều."

"Khi chứng kiến những hiện vật lịch sử bị hư hại như vậy, tôi đã muốn làm gì đó để có thể cứu lấy chúng. Tôi muốn tìm ra cách để cứu những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Cho nên khi lớn hơn một chút, tôi đã theo đuổi công việc này."

Mạnh Tinh Vĩ điềm đạm kể lại lý do.

"Anh có thể kể cho chúng tôi biết về quá trình học tập tìm tòi về lĩnh vực này của anh được không?"

Lưu Thanh Chi vừa cẩn thận để ý máy ghi âm trên tay vừa hỏi hắn câu hỏi tiếp theo.

Người đàn ông đan hai tay lại vào nhau đặt lên đùi mình, dáng vẻ bình thản đáp.

"Tôi nhớ lúc đó mình đang học năm hai ngành quản trị kinh doanh của trường đại học A do mong muốn của gia đình nhưng giữa chừng lại vứt bỏ để theo đuổi ước mơ của mình. Tôi đã xin học bổng toàn phần du học ở Đài Loan chuyên ngành Bảo tồn di sản văn hoá."

"Sau bốn năm đó tôi tiếp tục thực tập tại một nơi gọi là "Bệnh viện sách" đầu tiên và duy nhất ở Đài Loan vài tháng. Nhưng bấy nhiêu thời gian vẫn chưa đủ để tôi học được tất cả kỹ thuật tu bổ văn vật nên bản thân đã quyết định ở lại vừa học vừa làm việc thêm hai năm. Tiếp theo tôi tiếp tục đến học tập các nghệ nhân làm việc tại bảo tàng cố cung ở Trung Quốc, học họ kỹ thuật phục chế văn vật cổ, củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm rồi mới trở về nước."

Mạnh Tinh Vĩ nhớ lại những năm tháng cực khổ ấy. Ở đất nước xa lạ hắn không có nổi một đồng xu dính túi nên vừa phải học việc, vừa phải làm thêm nghề phiên dịch để kiếm thêm chút đỉnh để chi trả tiền trọ, chi phí đi lại và sách vở.

"Theo anh, muốn theo đuổi nghề này cần có những yếu tố nào?"

Lưu Thanh Chi tiếp tục đặt câu hỏi. Còn Kim Đồ ở phía sau tò mò chụp ảnh mọi ngóc ngách trong không gian xưởng Vãn Nguyệt Đường để thêm tư liệu viết bài.

"Một người thầy ở bảo tàng cố cung của tôi từng nói: Học nghề này cần trải qua sự mài giũa của thời gian. Trình tự tiến hành không quá nhiều nhưng nhất định cần phải trải qua sự tôi luyện của thời gian để cảm nhận được."

"Còn đối với tôi công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần mẫn. Bởi vì đôi khi cô sẽ phải mất gần một tuần chỉ để tách rời từng trang sách đã hư hại. Tất cả đều phải được làm thủ công. Ngoài ra cần phải trang bị rất nhiều kiến thức trong người như kiến thức về giấy, kỹ thuật in ấn, kỹ thuật đóng sách và thậm chí là cả kiến thức về hội họa, hóa học. Người làm nghề phải biết được tất cả nguyên vật liệu trong việc tu bổ. Biết sử dụng các loại thuốc khi chữa bệnh cho sách. Quan trọng nhất là người thợ phải có kiến thức lịch sử lâu đời để nhận biết được giá trị tuổi đời của quyển sách để tu bổ."

Nghe qua thôi cũng đủ làm người ta choáng ngợp với những kiến thức phức tạp đòi hỏi phải có trong công việc này. Rất tiếc rằng một công việc ý nghĩa như vậy lại không được nhiều người biết tới và theo đuổi.

Sau khi phỏng vấn xong, hai phóng viên mới thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về. Mạnh Tinh Vĩ sai một trợ lý của mình tiễn họ ra ngoài. Lưu Thanh Chi cảm thấy luyến tiếc, không nhịn được muốn nán lại thêm một chút nhìn những trang sách cổ được phơi trên tấm ván gỗ ép.

"Đây chẳng phải là Bảo Ngọc Truyện sao?"

Cô ta vừa lướt mắt đọc qua vài trang đã nhận ra.

Bảo Ngọc là một tác phẩm văn học nổi tiếng được sáng tác vào thế kỷ 17 của nhà văn Đỗ Tâm. Cuốn sách này chắc cũng đã được ra đời hơn một trăm năm tuổi.

"Phải."

Mạnh Tinh Vĩ đứng ở bàn làm việc bên kia thuận miệng trả lời cô ta.

Lưu Thanh Chi ngẩng mắt nhìn về phía người đàn ông, mỉm cười kể.

"Tôi rất thích đọc các tác phẩm của Đỗ Tâm, lời văn cực kỳ lãng mạn lôi cuốn. Ông ấy thực sự đã viết ra những vở kịch xuất sắc nhất trong thời đại đó. Đặc biệt là vở Hoa Mộc Lan. Anh đã xem vở đó chưa?"

Cô ta đang hào hứng chia sẻ cùng Mạnh Tinh Vĩ nhưng vừa quay qua lần nữa liền phát hiện hắn đang miệt mài ngồi vá lại những lỗ rách trên một trang sách, dường như không để vào tai những lời nói luyên thuyên của người phụ nữ kia.

Lưu Thanh Chi tự nhiên cảm thấy xấu hổ khi nhận ra bản thân đang nói chuyện một mình. Cô ta vốn dĩ muốn làm quen cùng người đàn ông anh tuấn, ưu tú kia nhưng không ngờ hắn còn chẳng quan tâm tiếp chuyện cùng mình. Vừa phỏng vấn xong đã ngay lập tức ngồi vào bàn làm việc, chẳng quan tâm bất kỳ ai.

Cô ta không phải luyến tiếc những văn vật ở đây mà chính là đang luyến tiếc nhan sắc của Mạnh Tinh Vĩ.